[REVIEW ĐỘC GIẢ] 13.67 VÀ TINH THẦN BẢO VỆ CHÍNH NGHĨA GIỮA MỘT HỒNG KÔNG RỐI REN
Không chỉ là tiểu thuyết trinh thám kinh điển cân não xoay quanh các vụ án li kì, 13.67 của Chan Ho Kei còn kể câu chuyện về một thời đại đầy thăng trầm, về xã hội Hồng Kông lắm rối ren, cùng với tinh thần bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ người dân của cảnh sát trong xã hội đó.
13.67 gồm sáu chương, tương ứng với sáu vụ án, đánh dấu sáu mốc quan trọng trong cuộc đời viên cảnh sát tài ba, lỗi lạc Quan Chấn Đạc.
13 và 67 chỉ năm 2013 và 1967, thời điểm mở đầu và kết thúc truyện. Tác giả sử dụng cách kể chuyện từ hiện tại ngược về quá khứ, cho chúng ta nhìn lại những bước ngoặt lịch sử của xã hội Hồng Kông. Như cuộc bạo động năm 1967 của phe cánh tả, công cuộc chống tham nhũng lắm gian nan trở ngại của lực lượng cảnh sát những năm 1970, sự kiện trao trả Hồng Kông năm 1997, đại dịch SARS bùng phát năm 2003…
Những cảnh sát chính trực sống vì chính nghĩa.
Từ năm 1967 đến 2013, Hồng Kông trải qua gần 50 năm thăng trầm với nhiều biến đổi về xã hội, kinh tế, chính trị. Hồng Kông hoa mỹ là vậy nhưng đằng sau đó vẫn đầy rẫy những tệ nạn xã hội. Những vụ án thì thường gắn liền với những tệ nạn như tranh giành trong bang hội, tranh chấp trong gia đình, quy tắc ngầm trong giới giải trí hay tham nhũng trong ngành cảnh sát…
Những khía cạnh đó đều được đề cập trong 13.67 và thể hiện dưới những vụ án không quá kinh dị rùng rợn, mà kinh điển và sâu sắc.
Mở đầu chương một đã là một vụ án giết người và nghi phạm chính là những người thân trong gia đình. Buồn thay khi chỉ vì những hiểu lầm hay âm mưu của ai đó mà khiến em hại anh, con giết cha, gia đình tan nát.
Hay ở chương hai là câu chuyện về giang hồ, một đề tài quá quen thuộc trong phim truyện Hồng Kông. Giang hồ ngày xưa trọng đạo nghĩa, nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, những người trong giang hồ ấy bắt đầu cấu xé lẫn nhau và thao túng sang cả giới doanh nghiệp hay làng giải trí.
Còn chương bốn và chương năm thể hiện những tệ nạn trong ngành cảnh sát. Đằng sau vụ vây bắt băng cướp là sự tha hóa của một cảnh sát giỏi nghiệp vụ, hay đằng sau vụ bắt cóc giả là một hệ thống cảnh sát tham nhũng.
Đối mặt với nhiều tệ nạn xã hội mà trong đó có cả sự suy đồi của cảnh sát, ắt hẳn phải cần đến những con người ngay thẳng chính trực, chống lại cái xấu. Và đó chính là sứ mệnh của thầy trò Quan Chấn Đạc và Lạc Tiểu Minh, hai nhân vật đại diện cho chính nghĩa, đại diện cho những cảnh sát có tâm với nghề.
Tinh thần chính nghĩa của cảnh sát Quan xuyên suốt từ đầu đến cuối truyện. Ngay từ những trang sách đầu tiên, những lời dặn dò của thầy Quan dành cho Lạc đã thể hiện, đối với ông mà nói bảo vệ người dân là nhiệm vụ hàng đầu của cảnh sát. Nếu cấp trên bảo thủ, chế độ trì trệ, ông sẵn sàng chống lại chế độ đó. Sẵn sàng sử dụng “mánh khóe” để bắt hung thủ chịu sự trừng phạt của pháp luật, vì “cách thức có thể đen”, chỉ cần “mục đích phải trắng”.
Học trò Lạc đã thấm nhuần tư tưởng đó, vậy nên ở chương một chúng ta đã thấy anh sử dụng “thủ đoạn” để vạch trần hung thủ.
Cách thức làm việc này không phải tự nhiên mà có. Quan khi còn trẻ cũng phải trải qua rất nhiều vụ án. Có vụ còn không tìm được bằng chứng như ở chương bốn. Quan và Lạc đều phải trải qua quá trình từ một cảnh sát non trẻ mới vào nghề, cho đến khi trưởng thành nắm giữ vị trí quan trọng trong ngành.
Thủ pháp kể chuyện đặc sắc của Chan Ho Kei khiến độc giả không thể rời mắt khỏi từng trang truyện.
Cách kể chuyện đảo ngược thời gian khiến chúng ta nhận ra, những cảnh sát dày dạn kinh nghiệm thì ra cũng từng có một thời non nớt. Quan bắt đầu từ một tuần cảnh nghe lời cấp trên, bảo sao làm vậy, còn Lạc từng là cảnh sát trẻ run sợ khi đứng trước tội phạm, làm việc cảm tính, bất chấp lệnh cấp trên để lo cho đồng đội. Nhưng họ dần trưởng thành, và quan trọng là tính chính trực trong họ không bao giờ bị mai một.
Quan đã hoàn thành sứ mệnh của cảnh sát đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời. Còn Lạc chính là sự tiếp nối cho tinh thần chính nghĩa của ông. Có lẽ anh cũng sẽ chiến đấu đến giây phút cuối cùng như người thầy của mình.
Ở thời điểm năm 2013, “hào quang của cảnh sát đã phai nhạt đi khá nhiều”. Vì cảnh sát đang phải đứng giữa một bên là quần chúng – những người họ cần bảo vệ, và một bên là cấp trên, giới cầm quyền – những người họ phải phục tùng mệnh lệnh. Ngày càng nhiều cảnh sát chỉ làm việc cho xong.
Câu chuyện khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, đội ngũ cảnh sát đã thực sự tha hóa đến mức đó? Hay nếu một ngày nào đó họ không còn giữ được tinh thần chính nghĩa thì người dân sẽ ra sao?
Tác giả đã mượn nhân vật để bày tỏ quan điểm của bản thân (và rất nhiều người Hồng Kông) đối với chế độ chính trị hiện tại của Hồng Kông. Cảnh sát cõ lẽ không còn là anh hùng trong lòng người dân như trước. Những tác giả vẫn gửi gắm niềm tin vào chính nghĩa ở hai nhân vật Quan và Lạc.
Những nhân vật phản diện làm nên bước ngoặt cho câu chuyện.
Không chỉ thành công trong việc xậy dựng hình tượng hai thầy trò Quan Lạc, 13.67 còn khắc họa sinh động, rõ nét từng nhân vật xuất hiện trong mỗi chương. Trong đó phải kể đến những nhân vật gây bất ngờ cho người đọc như TT và Vương Quán Đường.
Trong 13.67, những nhân vật phản diện, lại có một vỏ bọc lương thiện hoàn hảo.
TT là một cảnh sát thiện xạ, quyết đoán và từng là cấp trên của Lạc.
TT xuất hiện trong chương bốn cùng màn đấu súng giật gân với nhóm tội phạm nguy hiểm. Nhưng ngờ đâu, vụ việc từ đầu đến cuối đều do TT dựng nên để che giấu hành vi giết người của mình. Còn gì rúng động hơn việc một cảnh sát lại đi giết (rất nhiều) người. TT là cảnh sát giỏi nhưng lại không màng tính mạng của dân thường vô tội, không màng an nguy của đồng đội, để thực hiện mưu đồ cá nhân. Đến phút cuối TT thà tự sát chứ không chịu tỉnh ngộ. Vụ án của TT không chỉ khiến Quan chua xót khi phải tự mình vạch trần đồng nghiệp, mà còn khiến người đọc vừa căm phẫn vừa xót xa cho một cảnh sát lầm đường lạc đối.
TT, Lão Từ và hàng loạt những cảnh sát hai mang ở chương ba và năm, chính là đại diện cho những người lợi dụng thân phận cảnh sát để phạm pháp. Họ là những con sâu làm rầu nồi canh, khiến người dân dần mất tiềm tin vào đội ngũ bảo vệ an ninh xã hội.
Mới đọc 13.67, chúng ta tưởng đâu Vương Quán Đường chỉ là tên tội phạm xảo quyệt. Nhưng đến phút cuối mới ngỡ ngàng rằng, đó là nhân vật chủ chốt trong câu chuyện. Đường là người từng kề vai tác chiến với Quan trong vụ bạo động năm 1967, người giúp Quan lập công lớn, cũng là người đã mắng cho Quan ngộ ra rằng, bảo vệ người dân mới là sứ mệnh của cảnh sát.
Đường mắng Quan chỉ nghe lời cấp trên, chỉ vì danh dự của cảnh sát mà hi sinh tính mạng của hai đứa trẻ. Nhưng nghĩ lại, ông ta mới là “hung thủ”, bởi ông đã do dự và đợi đến khi mọi sự đã rồi mới đổ hết trách nhiệm lên đầu Quan. Nếu từ đầu ông ta nói ra, chẳng phải hai đứa trẻ đã không chết oan.
Sau cùng, Đường trở thành tội phạm gian xảo, không tiếc mọi thủ đoạn để trả thù người hắn vốn coi như anh em, vì cảm thấy mình đã bị phản bội. Ông ta thông minh, nhưng lại dùng sự thông minh vào việc giết người. Trớ trêu thay, người từng lên giọng dạy bảo người khác lại là người không chịu tỉnh ngộ.
Mỗi một nhân vật trong 13.67 lại có một câu chuyện riêng, giằng xé trong tâm tưởng chính mình, để đi tìm cái gọi là chính nghĩa.
Thử hỏi, nếu Đường lựa chọn con đường khác thì kết cục có vậy không. Tôi nghĩ có lẽ là không, bởi đó là bản chất của ông ta. Sự do dự, biết nhưng không nói của ông ta xuất hiện trong nhiều chi tiết ở chương cuối. Ông ta nghĩ cho mình nhiều hơn, làm việc gì cũng lo cho bản thân trước, ngay đến việc muốn làm cảnh sát cũng chần chừ. Người như vậy có thực sự muốn bảo vệ chính nghĩa?
Lần đầu quen biết giống như dấu mốc khởi đầu của hai số phận, và lần cuối cùng gặp mặt lại là điểm kết thúc cuộc đời của hai con người từng đồng tâm hiệp lực và giờ đứng trên hai bờ chiến tuyến.
13.67 là cuốn tiểu thuyết trinh thám sâu sắc với nhiều bất ngờ và ẩn ý mà chỉ khi đọc đến dòng cuối, chúng ta mới ngộ ra và nể phục tài năng của tác giả.
Tìm hiểu thêm về tác giả Chan Ho Kei tại đây.
Tham khảo các bài viết khác thuộc chuyên mục ĐIỂM SÁCH tại đây.