[ĐIỂM SÁCH] CHAN HO KEI - NGÔI SAO SÁNG TRONG LÀNG TRINH THÁM HỒNG KÔNG
Hồng Kông có rất nhiều tiểu thuyết gia nổi tiếng, xưa có Trương Ái Linh, Kim Dung, nay có Kiều Tịnh Phu, Đàm Kiếm… Người đông, thể loại sáng tác cũng nhiều, từ tình yêu, võ hiệp, cho đến viễn tưởng, kinh di, nhưng dường như thiếu mất trinh thám. Cho đến khi 13.67 xuất hiện, đưa tác giả Chan Ho Kei (Trần Hạo Cơ) lên thành ngôi sao sáng của giới tiểu thuyết trinh thám Hồng Kông và thậm chí là cả Trung Quốc.
Từ dân IT trở thành nhà văn trinh thám
Có người từ nhỏ đã khao khát trở thành nhà văn, nhưng sau khi trưởng thành mới biết ước mơ chỉ là mơ ước. Cũng có người không nghĩ sẽ dựa vào viết lách để kiếm sống nhưng lại gặp cơ duyên thích hợp, sau cùng thành danh nhờ viết truyện, giống như Chan Ho Kei.
Nhà văn Chan Ho Kei. Ảnh: ELLE Hong Kong
Chan Ho Kei sinh năm 1975, sau khi tốt nghiệp khoa Khoa học máy tính trường Đại học Trung văn Hồng Kông, anh làm lập trình viên 10 năm trước khi trở thành nhà văn toàn thời gian. Năm 2008, anh quyết định đổi nghề. Trong khoảng thời gian Chan Ho Kei nghỉ ngơi trước khi cân nhắc công việc mới, cuộc thi sáng tác của Hiệp hội Trinh thám Đài Loan (MWT) đã khơi gợi ý muốn viết truyện trinh thám trong anh. Chan Ho Kei yêu thích dòng văn trinh thám từ khi còn nhỏ, hơn nữa cuộc thi yêu cầu viết truyện ngắn, điều này đối với một người mới mà nói, dễ dàng thực hiện hơn nhiều.
Lúc mới chuyển sang làm nhà văn, cuộc sống của Chan Ho Kei không dễ dàng gì. Anh tập trung toàn bộ tinh lực cho các cuộc thi, thu nhập năm đầu tiên gần như bằng không. Năm năm liền, anh hầu như không đến rạp chiếu phim, hạn chế ra ngoài để tiết kiệm tiền. Nguyên tác 13.67 được hoàn thành trên chiếc laptop nhỏ giá chỉ 2000 đô Hồng Kông, nếu không có chút tiền để dành, có lẽ anh đã sớm bỏ cuộc.
Lối sống giản dị xa rời mạng xã hội.
Dù đã chuyển ngành hơn 10 năm, nhưng vẻ ngoài và tính cách của Chan Ho Kei không khác gì so với ấn tượng của chúng ta về một lập trình viên. Trang phục thường là áo phông, áo sơ mi kết hợp với quần bò, giầy thể thao, thích ở nhà, không có nhiều hoạt động giải trí. Anh tự cảm thấy bản thân giống nhà văn thế hệ trước, trao đổi thông tin bằng thư từ, qua lại cũng mất đến một, hai tuần. Anh thường cố tình không trả lời tin nhắn, giữ thói quen một (vài) ngày mới lên mạng xã hội một lần. Anh nghĩ, nếu con người chìm đắm trong thế giới mạng, mọi câu chuyện đều đã nói hết trên mạng, vậy khi gặp mặt liệu chúng ta còn có thể tán gẫu với nhau vài tiếng đồng hồ không. Ở Hồng Kông, làm nhà văn toàn thời gian đã có chút khác người, vậy mà anh còn giữ khoảng cách với mạng xã hội, cho rằng độc lập với mọi người phải trả giá nhưng chạy theo đám đông cũng phải trả giá.
Ảnh: Ming Pao Weekly
Sau khi thành danh, hoạt động xã giao của Chan Ho Kei nhiều lên, dù rất thích ở nhà nhưng anh cũng muốn tham gia các hoạt động liên quan đến sách. Anh muốn ra ngoài và chia sẻ với những bạn trẻ thích viết truyện trinh thám rằng, làm nhà văn toàn thời gian không phải con đường dễ dàng, nhưng chúng ta vẫn có thể bước tiếp, “tìm được công việc bản thân thích thú, có thể hưởng thụ quá trình làm việc, thậm chí không cần nghỉ ngơi, hơn nữa còn kiếm được tiền, đó thực sự là điều cầu mà không được, không nên đòi hỏi nhiều hơn”.
Chan Ho Kei trong buổi tọa đàm của Singapore Writers Festival vào tháng 11/2017
Thời gian rảnh rỗi, Chan Ho Kei thường xem tin tức và đặc biệt hứng thú với các vụ án hình sự liên quan đến thanh thiếu niên. Những vụ án này dẫn đến câu hỏi, liệu bản chất của con người là thiện hay ác, đồng thời còn liên quan đến chế độ giáo dục và quá trình hình thành giá trị quan của con người. Đây cũng là vấn đề anh muốn tìm hiểu sâu hơn. Ngoài ra, anh cũng hay xem hoạt hình, tìm hiểu một số kiến thức linh tinh, biết đâu lại có thể biến đó thành tài liệu viết tiểu thuyết.
Ngoài thể loại trinh thám, Chan Ho Kei cũng khá sung sức trong mảng khoa học viễn tưởng. Các tác phẩm khác của anh đã xuất bản gồm: Mật sứ hắc ám (đồng sáng tác với Cao Phổ), Kẻ may mắn sống sót, Người bong bóng, Bọ ma, light novel Theo dấu pháp thuật và S.T.E.P (hợp tác với Sủng Vật Tiên Sinh, người từng đoạt giải nhất Tiểu thuyết Trinh thám Soji Shimada 2001).
"Mưu đồ" gặt hái giải thưởng trong sự nghiệp của Chan Ho Kei.
Lần đầu viết truyện trinh thám, cũng là lần đầu tham gia thi viết, nhưng Chan Ho Kei không có vẻ gì là nhà văn mới vào nghề, trái lại giống như một tác giả đã rèn luyện nhiều năm trong giới trinh thám.
Tham gia nhiều cuộc thi là ý đồ của Chan Ho Kei, bởi thi viết hiệu quả hơn gửi bản thảo đến nhà xuất bản. Bản thảo có gặp được biên tập biết thưởng thức hay không phải xem vận may. Trong khi đó, tham gia thi viết sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của độc giả và nhà xuất bản, nhà xuất bản cũng có thể dùng các danh hiệu giải thưởng làm quảng cáo. Chan Ho Kei không hổ danh là lập trình viên, mỗi “từ” viết ra đều có công dụng rõ ràng, mỗi công việc trước khi thực hiện đều tìm kiếm phương án hiệu quả nhất.
Điển hình, anh đã biến truyện cổ tích Jack và hạt đậu thần thành truyện trinh thám và sử dụng mô típ “thám tử-trợ lý”, một sự kết hợp ít ai nghĩ đến. Chan Ho Kei không sắp đặt những thủ thuật tinh vi trong câu chuyện mà tập trung xây dựng hình tượng nhân vật, chủ yếu dựa vào nhân vật để thúc đẩy tình tiết phát triển. Năm 2008, Chan Ho Kei với Jack và hạt đậu thần lọt vào chung kết Viết văn lần 6 của MWT. Năm 2009, anh sử dụng ý tưởng sáng tác tương tự, viết nên truyện Căn phòng bí mật của Lão Râu Xanh và đoạt giải nhất Viết văn lần 7 của MWT.
Những năm tiếp theo, Chan Ho Kei không ngừng tham gia các cuộc thi viết và liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng chuyên môn. Năm 2010, anh đoạt giải ba Comic Ritz Million Novel với Suy luận hợp lý và giải ba Tiểu thuyết Khoa học Viễn tưởng Nghê Khuông với Thời gian là vàng bạc. Năm 2011, đoạt giải nhất Tiểu thuyết Trinh thám Soji Shimada với Hình cảnh mất trí.
Chan Ho Kei và nhà văn trinh thám Nhật Soji Shimada trong Lễ trao giải Tiểu thuyết Trinh thám Soji Shimada 2011
Năm 2014, Chan Ho Kei bắt đầu bước ra khỏi thế giới Hoa ngữ nhờ tác phẩm đỉnh cao 13.67, trước tiên đoạt giải tại Triển lãm Sách Quốc tế Đài Bắc 2014, tiếp đó được nhượng quyền xuất bản ở hơn chục quốc gia. Sau 13.67, Chan Ho Kei dồn tâm huyết suốt hai năm cho truyện trinh thám Người trong lưới có nội dụng liên quan đến Internet và bạo lực mạng. Năm 2019, Người trong lưới được bình chọn #1 Trinh thám Hoa ngữ của năm trên douban.com.
13.67 và Người trong lưới được IPM lần lượt phát hành tại Việt Nam vào tháng 1/2019 và 11/2020
Phong cách đặc trưng của Chan Ho Kei.
Chú trọng tính logic và li kì trong từng chi tiết.
“Tiểu thuyết trinh thám bắt buộc phải có ba yếu tố chính: đầu tiên là tính hoàn chỉnh, bố cục câu chuyện không hoàn chỉnh sẽ giống như bức tranh thiếu mất một mảnh ghép, dù thế nào cũng vẫn là câu chuyện có khiếm khuyết. Thứ hai là tính bất ngờ, tác giả phải cố gắng tạo bất ngờ cho độc giả, nhưng độc giả bây giờ thông minh lắm, những bí ẩn chưa chắc đã đánh lừa được họ. Vậy nên câu chuyện còn cần tính giải trí, để những độc giả đã đoán ra chân tướng vụ việc vẫn thấy hứng khởi vì điều đó.” – Chan Ho Kei
Chan Ho Kei coi viết truyện trinh thám như thí nghiệm tư duy vật lý, có lúc cần ngồi đọc sách nghiên cứu, có lúc lại cần kiểm chứng thực tế. Trong Người trong lưới có chi tiết một người sử dụng wifi công cộng ở các ga tàu điện để gửi tin nhắn, nhằm che giấu vị trí thực sự. Đây là mánh khóe do Chan Ho Kei nghĩ ra và đã đến tận ga tàu điện để liên kết wifi, quan sát vị trí camera… xem có khả khi hay không. Còn trong 13.67, cuộc đời nhân vật Quan Chấn Đạc kéo dài từ năm 1967 đến 2013, quãng thời gian gần nửa thế kỉ gắn với những thăng trầm của xã hội Hồng Kông. Để bổ sung kiến thức lịch sử, Chan Ho Kei đã đọc rất nhiều tài liệu và đến viện bảo tàng tìm kiếm tư liệu lịch sử, từ đó còn quen được chuyên gia nghiên cứu lịch sử Hồng Kông.
Chan Ho Kei rất chú ý đến việc sử dụng tình tiết li kì để thúc đẩy cốt truyện phát triển, đồng thời đứng từ góc độ độc giả để xây dựng bố cục câu chuyện. Nếu sau cùng người đọc phát hiện kết truyện có sự hô ứng với những ẩn ý, chi tiết ngầm ở đoạn trước, họ sẽ có phản hồi tích cực. Đọc đến cuối cùng, độc giả luôn bị bất ngờ trước hung thủ thực sự, dù là fan trinh thám cũng rất dễ bị “mắc lừa”. Nhưng cảm giác bị lừa này lại khiến người đọc sảng khoái, thích thú.
Các tác phẩm của Chan Ho Kei từng được đánh giá là có sự pha trộn giữa trường phái trinh thám suy luận cổ điển và trường phái trinh thám xã hội. Thực ra, anh không bị gò bó bởi những trường phái này, hơn nữa còn tìm tòi những cách viết mới. Với anh mà nói, không có gì quan trọng hơn nội dung tác phẩm, sách hay thì mới có người đọc. Ở Hồng Kông cũng như Trung Quốc, người đọc rất khắt khe với thể loại trinh thám và thường đọc truyện Nhật Bản hoặc Âu Mỹ nhiều hơn, nhưng Chan Ho Kei đã dùng sức mạnh của cốt truyện và tình tiết để vượt qua rào cản đó, khiến những người không phải fan trinh thám cũng có thể đọc truyện của anh. Ngoài ra, anh cũng không ngừng thử thách bản thân và muốn thử sức với các thể loại khác như trinh thám tòa án, trinh thám thương trường…
“Hương vị” Hồng Kông trong các tác phẩm.
Các tác phẩm của Chan Ho Kei như Hình cảnh mất trí, 13.67 hay Người trong lưới có rất nhiều tình tiết đậm chất phim truyền hình Hồng Kông. Những ai là fan của phim Hồng Kông chắc sẽ vừa đọc truyện vừa liên tưởng đến những cảnh phim như cảnh sát truy bắt tội phạm, đấu đá trong gia tộc, tranh chấp bang hội, hay vấn đề giá nhà đất leo thang… Sử dụng những địa danh, cơ quan tổ chức, sự kiện có thật lồng ghép vào câu chuyện, đồng thời xây dựng nhân vật mang tính cách đặc trưng của người Hồng Kông có lẽ là những nguyên nhân giúp tác phẩm thu hút người đọc. Chan Ho Kei từng viết, “Tôi không muốn miêu tả các vụ án một cách đơn thuần, tôi muốn viết về một nhân vật, một thành phố, một thời đại.”
Và anh đã dùng thân phận nhà văn Hồng Kông để kể những câu chuyện chỉ thuộc về mảnh đất này. Bối cảnh thành phố chân thực làm nền cho câu chuyện hư cấu, hai thứ bổ trợ cho nhau khiến tác phẩm vừa mang tính li kì, lại không mất tính hiện thực.
Xem thêm các tác phẩm trinh thám nổi bật khác tại: https://ipm.vn/collections/sach-trinh-tham-kinh-di