Điểm danh những tiểu thuyết trinh thám - kinh dị hấp dẫn, mỏng nhẹ dưới 300 trang
Có những ngày muốn đọc sách mà phân vân không biết nên đọc cuốn nào, vì sợ rằng không đủ thời gian để đọc hết? Hay chỉ đơn giản bạn là một người đọc muốn giữ nhịp độ đọc từ đầu đến cuối, không muốn đọc ngắt quãng chút nào?
Vậy thì hãy để IPM giới thiệu với bạn một số tiểu thuyết trinh thám dưới 300 trang, dung lượng vừa vặn đọc trong một ngày nha!
CÁNH CỬA THỨ 4
Cách đây nhiều năm, có một phụ nữ chết trong một căn phòng áp mái khóa trái, thân thể bị băm nhiều nhát. Dân làng đều cho rằng bà ta bị giết, vì gia đình giàu có, chồng thương con yêu chẳng cớ gì mà tự sát cả.
Cũng từ bấy, đêm về lại có tiếng động, ánh sáng hay bóng dáng vơ vẩn trên căn phòng áp mái đó, củng cố thêm cho giả thuyết bà kia bị sát hại, nên linh hồn oan khuất không thể siêu sinh.
Để giải mã bí ẩn này, một nhà ngoại cảm và bạn bè đã tổ chức gọi hồn trong căn phòng nọ, hi vọng có thể hỏi bóng ma về kẻ thủ ác hầu đánh tan đám mây u uất vẫn phủ xuống dinh thự lẫn ngôi làng.
Khi người sống không chịu buông tay người chết, khi kẻ tọc mạch cố đào bới một cách sai lầm vào những bí mật đã mờ mịt vì bụi thời gian, bọn họ sẽ gặp phải hậu quả gì?
Cánh Cửa Thứ 4 của Paul Halter - Một tác phẩm trinh thám tiêu biểu cho mô típ án mạng phòng kín, của một tên tuổi đương đại hiếm hoi vẫn còn viết theo phong cách cổ điển. Ngoài ra, IPM cũng đã phát hành một tiểu thuyết khác cùng tác giả là Giả Thuyết Thứ 7.
HÌNH CẢNH MẤT TRÍ
Trước 13.67 nổi tiếng và Người Trong Lưới với dung lượng đồ sộ, Chan Ho Kei đã viết gì?
Chính là Hình Cảnh Mất Trí.
Khác với 2 cuốn sách trên, thoáng nhìn qua Hình Cảnh Mất Trí, ta dễ nghĩ cuốn sách này thật nhẹ đô. Dung lượng chưa đầy 300 trang, khổ in rất vừa vặn, dễ dàng đọc hết chỉ trong một buổi. Nhưng nội dung thì không nhẹ đô như bề ngoài.
Số là có viên cảnh sát nọ gặp phải vụ án “hai xác ba mạng” vô cùng dã man. Kẻ thủ ác đã bị tóm ngay sau đó, nhưng anh luôn tin người bị bắt kia không phải hung thủ thật sự. Song chưa kịp điều tra thì một ngày tỉnh dậy, anh nhảy cóc đến tương lai 6 năm sau. Vụ án nọ đã khép lại từ lâu, và viên cảnh sát có 24 giờ tiếp theo để lật lại chuyện xưa, tìm cho kì được hung thủ thật sự…
Hình Cảnh Mất Trí.là tác phẩm đoạt giải Nhất Trinh thám Soji Shimada năm 2011, và là cú hích để Chan Ho Kei toàn tâm toàn ý đi theo con đường sáng tác chuyên nghiệp, từ đó mới có 13.67 và Người Trong Lưới về sau.
TRUY ẢNH SĂN DỤC VỌNG
Đây là một tác phẩm có quy trình phá án tương đối thú vị.
Nhân vật chính là một anh nhà giàu, sau lần suýt ch.ết trong tai nạn máy bay, bỗng nhiên có khả năng nhìn thấy án mạng trong tương lai. Tuy nhiên, đó chỉ là những phác họa vô cùng mơ hồ về địa điểm và thời gian gây án. Sự hạn chế này khiến các mệnh đề nan giải sau xuất hiện, khiến người đọc cũng phải vắt óc suy nghĩ:
Làm thế nào để ngăn chặn tội ác trước khi tội ác xảy ra?
Làm thế nào để bắt được hung thủ trong khi hắn chưa phạm tội?
Làm thế nào để bảo vệ nạn nhân trong khi mối nguy chưa xuất hiện, và thậm chí, họ còn không biết nạn nhân là ai?
Do đó, thay vì phác họa chân dung hung thủ, Truy Ảnh: Săn Dục Vọng ưu tiên phác họa chân dung nạn nhân. Chỉ cần tìm ra nạn nhân trước thời điểm gây án và bảo vệ họ qua thời khắc t.ử vong, án mạng sẽ không xảy ra.
Đi từ giả tưởng đến thực tế, Truy Ảnh: Săn Dục Vọng không chỉ đưa độc giả vào hành trình phá án kịch tính đến mức nghẹt thở, mà còn phơi bày chân dung xã hội Hồng Kông trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này.
LỜI NGUYỀN SHIRAISAN
So với các tác phẩm xuất bản trước đó của tác giả Otsuichi, Lời Nguyền Shiraisan không phải là một tiểu thuyết kinh dị, ma mị “nặng đô”. Nhưng, cốt truyện và diễn biến đủ để khiến những tín đồ của truyện kinh dị Otsuichi bị kéo đi bởi những bí ẩn đằng sau lớp sương mù của quá khứ và hồi hộp trước mỗi lần “chuyển cảnh”.
Truyện kể về những cái ch.ết vô cùng phi lý. Trước khi qua đời, nạn nhân đều từng nghe một truyện kinh dị, tên là Lời nguyền Shiraisan. Dù vô tình hay cố ý tìm kiếm, chỉ cần biết đến nội dung câu chuyện và nhân vật, người nghe sẽ bị nổ nhãn cầu mà chết. Nhưng tất cả những cái chết đều bị kết luận là do suy tim.
Một điều mà Otsuichi vẫn khiến độc giả mãn nguyện đó là sự lớp lang của tác phẩm. Lời Nguyền Shiraisan được xây dựng kết hợp giữa yếu tố tín ngưỡng dân gian, truyền thuyết đô thị và đồng thời khai thác khía cạnh trong bản tính con người, đó sự vị kỉ tàn ác.
Vậy thực hư câu chuyện về lời nguyền ra sao? Đằng sau những cái chết với biểu hiện kỳ lạ ấy bắt nguồn từ đâu? Lời nguyền liệu có được hóa giải?
CHIÊNG NGUYỆN HỒN AI
Chiêng Nguyện Hồn Ai đem lại cảm giác như đang xem một bộ phim chuyển cảnh liên tục. Vừa mở đầu với hình ảnh một nhà văn trinh thám đoạt giải đang hết lòng ca ngợi thời đại khoa học công nghệ, hứa hẹn cống hiến hết mình bằng những tác phẩm viết về kỉ nguyên số. Thì “bụp”, cảnh chuyển sang mục “Tin nóng”, người dẫn truyện dùng chất giọng nghiêm trọng nhất thông báo nhà văn nọ tuyên bố gác bút, kiên quyết rời bỏ sự tiện lợi của cuộc sống số sau cái chết bi thảm của vợ. Thả chậm tốc độ nói, người dẫn truyện nuối tiếc cho hay, có vẻ nhà văn đã dẫn con ra đảo nhỏ biệt lập để sống ẩn dật, xa lánh xã hội hiện đại, tìm cách quên đi những kí ức tang thương.
Bên tai văng vẳng tiếng sóng rì rào, lần này cảnh chuyển sang biển trời xanh biếc lung linh trong nắng. Nhà văn một lần nữa xuất hiện, và quả thực ông đang ở trên một hòn đảo biệt lập và hoang sơ, không hề xuất hiện bóng dáng đồ công nghệ điện tử. Chỉ có điều, bên cạnh ông không phải con cái mà là một đoàn người lạ hoắc mặc đồ trắng, lên đảo để tham gia khóa học “thanh lọc công nghệ”. Mà điều đặc biệt nhất, cả đoàn tám người nhưng không một ai nhìn hay nghe thấy nhà văn. Máu trinh thám nổi lên, nhà văn quyết định bám đuôi, theo sát cuộc sống “thanh lọc công nghệ” của họ, vô tình chứng kiến thảm án liên hoàn cướp đi sinh mạng những học viên xa lạ, đồng thời phát hiện mối liên hệ giữa họ với cái chết của vợ mình năm xưa. Cảnh phim đan xen giữa hư và thực, giữa quá khứ và hiện tại, giữa kí ức của nhà văn về vợ và những án mạng tàn khốc đang diễn ra ngay trước mắt.
Vận dụng khả năng suy luận và kiến thức về khoa học hiện đại, nhà văn cho rằng mình đã tìm ra hung thủ và hiểu được cách thức gây án của hắn. Nhưng ông vẫn chưa lý giải được bí ẩn lớn nhất: Vì sao ông lại có mặt trên hòn đảo này? Và vì sao ông không thể giao tiếp với bất kì ai? Phá được án không có nghĩa đã bật mí được hết các bí mật, bởi quan trọng hơn cả, phim vẫn còn “after-credit”!
Những tiểu thuyết trên tuy dụng lượng ngắn nhưng không hề nhẹ, đôi lúc còn nặng nề hơn cả tiểu thuyết dài hơi. Mời bạn tìm đọc và khám phá.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các tiểu thuyết khác do IPM đã phát hành tại đây.