Xứ Tuyết - cực hạn của “cái đẹp hư vô, cái đẹp thanh khiết và cái đẹp bi thiết”
Xứ Tuyết là tiểu thuyết dạng vừa đầu tiên của Kawabata Yasunari, cũng là tác phẩm đại diện cho chủ nghĩa duy mỹ ở ông.
Nội dung Xứ Tuyết, nếu tường thuật một cách giản đơn thì quả tình là không nhiều nhặn gì. Tôi nói vậy vì nếu có tóm tắt, thì câu chuyện này đại khái xoay quanh một anh tên Shimamura hay đi đây đó (gánh nặng cơm áo gạo tiền không làm anh bận tâm, bởi anh kế thừa tài sản cho phép mình được sống thoải mái) và một nàng geisha tên Komako. Câu chuyện đôi khi có cả sự góp mặt của bạn nàng và vị hôn phu của nàng, bấy giờ đang cận kề cửa tử. Và tất cả xảy ra tại nơi ấy - Xứ Tuyết, về sau có lẽ cũng kết thúc ở nơi ấy - Xứ Tuyết.
Nhưng, những điều tôi kể trên chỉ là cái khung xương trơ trọi. Quả thật là trơ trọi và chắc không có gì đáng ngó, nếu không được Kawabata tạo tác da thịt cho nó. Vậy hãy nhìn vào sâu hơn, một cách bao quát, khi đã đi hết 180 trang với số lượng chữ phải nói là khiêm tốn, nhưng lại là kết tinh sau hơn chục năm sáng tác của Kawabata. Tôi nghe kể rằng, dù thời gian Kawabata đi đi về về lữ quán suối nước nóng ở Izu là mười năm, nhưng Xứ Tuyết mất đến mười ba năm mới có được diện mạo như chúng ta thấy hôm nay. Xứ Tuyết không đơn giản là một chuyện tình, mà còn là hành trình tìm kiếm và hướng về cái đẹp.
Kawabata đến Izu lần đầu vào năm 1918. Bấy giờ công nghiệp Nhật Bản đang có bước phát triển nhưng nông nghiệp chững lại, xã hội hãy còn rối ren, phải mất vài năm sau mới dần ổn định hơn. Những thay đổi này cùng với ảnh hưởng của văn hoá ngoại lai, đã khiến các giá trị truyền thống không còn vững vàng như xưa. Con người phải đối mặt với khủng hoảng căn cước và gặp khó khăn trong việc gìn giữ hay về lại với truyền thống. Trong hoàn cảnh đó, Xứ Tuyết của Kawabata chứa đầy nỗi u hoài của con người lánh đời, muốn tìm hiểu vũ đạo Tây phương nhưng đồng thời cũng nâng niu tấm vải chijimi dệt tay Nhật Bản. Đã có điều ràng buộc ở thị thành hiện đại nhưng vẫn lặn lội đường xa tới ngôi làng tươi đẹp kia để tái tạo tâm hồn. Câu chuyện của Shimamura và nàng Komako, nếu chỉ kể không ra thì chắc chắn sẽ là một trong những nội dung tôi không thích, và thậm chí còn mang một thái độ đề phòng khi tiếp xúc. Song nếu đặt các nhân vật vào mối quan hệ giữa con người - truyền thống - khao khát, thì mọi sự trở nên hợp lý.
Ở Xứ Tuyết, sự kịch tính hay cảnh giật gân đều vắng bóng. Mà thực thì dường như, các tác phẩm Kawabata đều vậy. Văn ông trong trẻo, nhẹ nhàng như nước. Đôi khi, sẽ có khúc chuyển dòng nào đó, dẫn đến một biến có ta chẳng thể ngờ, song mọi xáo trộn vẫn sẽ xảy ra trong êm đềm và có phần lặng lẽ của ngôn từ vậy thôi.
Tôi thích cách Kawabata quan sát, rút tỉa cái đẹp từ thiên nhiên và con người mà đưa vào mực viết. Những cảnh thân mật của nhân vật được viết rất kín đáo mà ta phải để ý kĩ mới phát hiện ra. Có khi, chỉ một động tác đưa ngón út lên dém tóc mai của Komako thôi, cũng là ước lệ cho một lần ái ân vừa kết thúc giữa nàng và Shimamura. Những quan sát tinh tế của ông khi mô tả vẻ đẹp người phụ nữ thông qua cửa sổ toa tàu, hay khung cảnh thanh khiết giao hoà giữa tuyết và nắng cũng thật là hay. Chẳng những vậy, vẻ đẹp nàng Komako qua ngòi bút của Kawabata cũng duyên đến mức rung động. Ngay cả với đám cháy xảy ra ở cuối cuốn sách, ông cũng mô tả sự khủng khiếp ấy với một bút pháp thi vị khiến người đọc ngẩn ngơ, “bay tới dải ngân hà, tàn lửa bung ra rồi biến mất”...
Những văn hoá truyền thống Nhật Bản hiện diện một cách tự nhiên trong Xứ Tuyết. Chúng luôn ở đó, và chẳng bao giờ khác đi dẫu Shimamura có quay đi trở lại bao lần. Đó là những nàng geisha duyên dáng, là các thức ăn vặt, là những người tuy mắt chẳng còn sáng nhưng chỉ cần nghe tiếng shamisen thôi cũng đã biết là ai đang đàn, là những cành lá trang trí kiểu kadomatsu, hay đơn giản chỉ là một quả mộc thông được người lạ hái cho.
Một trong những điều mà tôi ấn tượng nhất ở Xứ Tuyết là đối thoại giữa các nhân vật. Khi Shimamura và Komako nói chuyện ở những hoàn cảnh, địa điểm khác nhau, ta thấy ở họ có sự tinh nghịch, e ấp rất duyên. Đôi khi cũng sầu khổ và quẫn bách vì biết tình yêu của mình là sai trái. Đối thoại trong Xứ Tuyết là những đối thoại mà theo tôi thấy, đậm chất kịch, vậy mà nó vẫn cho được cái cảm giác gần gũi như hiện diện ngay đây. Rất khó tả.
Đọc Xứ Tuyết, tôi hiểu tại sao người ta nói Kawabata tinh tế. Vì đâu người ta ca tụng văn chương ông là mỹ học chuẩn mực của Nhật Bản truyền thống.
Gấp sách lại, trong đầu tôi, trước hết có một suy nghĩ, ấy là nếu tới nơi đó, mua trực tiếp được một mảnh vải chijimi thì hay quá. Kawabata viết rằng, đây là loại vải được “Xe sợi trong tuyết, dệt vải trong tuyết, giặt vải trong nguồn nước tuyết tan, rồi phơi vải trên tuyết. Từ động tác xe sợi đầu tiên đến công đoạn dệt xong tấm vải, mọi việc đều diễn ra trong tuyết.”
Có lẽ tôi không còn nhớ mùa đông, cũng vơi nhiều mong muốn được trông thấy tuyết do càng có tuổi thì càng sợ lạnh. Nhưng kể ra, nếu được đến chỗ suối nước nóng nọ và mua một mảnh vải chijimi thì thật là vui. Đó là loại vải dệt vào mùa đông và đem lại sự mát mẻ cho mùa hè, được dùng làm kimono và người Nhật rất chuộng.
Độc giả @_satohsai chia sẻ.