[ĐIỂM SÁCH] CHIÊNG NGUYỆN HỒN AI – “ĐÁNH GỤC” NGƯỜI ĐỌC BẰNG GIỌNG VĂN ĐIỀM TĨNH VÀ KẾT THÚC NGỠ NGÀNG
Gấp trang cuối cuốn sách, nhìn lại quá trình đọc Chiêng Nguyện Hồn Ai, độc giả sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi toàn bộ cuốn sách là một giọng văn hết sức lãnh đạm nhưng lại khiến ta không thể rời mắt khỏi mạch truyện.
Chiêng Nguyện Hồn Ai của tác giả Wangyuan – Vương Nguyên đạt giải Nhất Giải thưởng Trinh thám King Car-Soji Shamada 2021. Tác phẩm được ban giám khảo đánh giá rất cao bởi ý tưởng sáng tạo và kết cấu mới mẻ. Không chỉ sở hữu một cốt truyện bất ngờ, Chiêng Nguyện Hồn Ai còn níu chân độc giả chính từ giọng văn lãnh đạm, điềm tĩnh đến lạ lùng.
Đáng ngạc nhiên hơn nữa, tác giả không phải là một tài năng của trinh thám Hồng Kong hay Đài Loan, mà là một tác giả Malaysia.
Không ai biết đến sự tồn tại của người kể chuyện
Để tóm tắt ngắn gọn Chiêng Nguyện Hồn Ai, thì đơn giản đây là cuốn tiểu thuyết kể câu chuyện một nhóm người tham gia khóa học thanh lọc công nghệ trên một hòn đảo biệt lập. Tại đây, họ đã vướng vào một vụ giết người hàng loạt.
Bối cảnh của Chiêng Nguyện Hồn Ai là thời đại kỉ nguyên số, thời đại internet kết nối vạn vật và cũng là thời kì thách thức với các tác giả trinh thám cổ điển. Bởi khi công nghệ phát triển, mọi thủ thuật gây án trong trinh thám cổ điển không còn bí ẩn nữa.
Thế nhưng trong Chiêng Nguyện Hồn Ai, có một nhân vật – nhà văn trinh thám Chu Vân Sinh đã thành công vượt qua thách thức đó với cuốn tiểu thuyết Kén dữ liệu. Tác phẩm này trở thành bước ngoặt quan trọng trong hành trình sáng tác của nhân vật này. Nhưng một biến cố lớn xảy đến, vợ chết, Chu Vân Sinh rơi vào trầm cảm và ba năm sau khi ra mắt Kén dữ liệu anh ta tuyên bố rời khỏi văn đàn.
Đó là lúc nội dung “thực sự” của Chiêng Nguyện Hồn Ai bắt đầu. Chu Vân Sinh tỉnh dậy, anh thấy mình đang ở hòn đảo xa lạ, từ từ nhìn thấy những sự việc bất ngờ diễn ra với đám người xa lạ tại đây – những người tham gia khóa học “thanh lọc cơ thể” trong năm ngày. Anh ở đó, theo dõi tất cả, nhưng không ai thấy anh, không ai nghe được anh, không ai hay biết đến sự tồn tại của anh. Chu Vân Sinh đã trở thành người kể chuyện của Chiêng Nguyện Hồn Ai.
Tưởng như không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa người kể và câu chuyện, những nhân vật trong truyện, bởi bản thân Chu Vân Sinh không biết tại sao mình xuất hiện ở hòn đảo này, không biết mình đang tồn tại ở trạng thái nào, tại sao không ai nhìn thấy sự hiện diện của anh ta.
Xuyên suốt Chiêng Nguyện Hồn Ai là quá trình thuật những gì diễn ra trong tầm mắt người kể chuyện cùng một số những hồi tưởng về cuộc đời anh ta, đồng thời lồng những phân đoạn trong tác phẩm Kén dữ liệu. Nghĩa là hầu như những phân tích của các nhân vật trong câu chuyện không đi đến đích cuối là phá giải những bí ấn của vụ giết người hàng loạt. Bởi họ không phải cảnh sát.
Một kết thúc “đánh gục” người đọc
Có thể trong quá trình đọc, độc giả đã tưởng tượng đến đoạn cuối cuốn sách, người kể sẽ nhìn ra một dấu hiệu, một bằng chứng để hô lên cho người đọc “kẻ giết người là đây” và kết thúc vụ án. Nhưng, nếu chỉ như vậy, Chiêng Nguyện Hồn Ai sẽ không phải là tác phẩm đạt giải Nhất Giải thưởng Trinh thám King Car-Soji Shimada 2021.
Những người đến với khóa học “thanh lọc cơ thể”, ai còn sống sót, cả kẻ gây án và người chứng kiến tội ác cuối cùng bước lên cầu tàu, ra về cùng cảnh sát mà không hề biết đến sự tồn tại của người chứng kiến toàn bộ câu chuyện và kể lại.
Và nhất quán với giọng kể lãnh đạm, từ tốn ngay khi bắt đầu câu chuyện, Wangyuan để nhân vật nhà văn Chu Vân Sinh từng bước kết nối các chi tiết, những biểu hiện, sâu chuỗi các động cơ để giải mã vụ án.
Điểm hấp dẫn và có giá trị của tác phẩm cũng nằm ở cách Wangyuan để nhân vật làm sáng tỏ chân tướng vụ việc. Mục đích của nhóm người đến với hoàn đảo biệt lập là khóa học “thanh lọc cơ thể”, thanh lọc công nghệ với lịch trình thiền trong năm ngày. Và Chu Vân Sinh cũng dùng cái cốt lõi của quá trình thiền định là sự phân tách tư duy thành người quan sát và đối tượng quan sát để suy luận tìm ra sự thật.
“Sảnh thiền sáng rực, giữa sảnh thiền trống không có hai người giống hệt nhau đang ngồi khoanh chân đối diện như hình ảnh phản chiếu trong gương.
Hai người ấy đều là tôi, nhà văn trinh thám Chu Vân Sinh. Chỉ là giờ đây, chúng tôi trở thành đối tượng quan sát và người quan sát trong quá trình thiền định: một kẻ bị tư duy thao túng, lạc lối trong ảo ảnh của sự việc; kẻ còn lại đã thoát khỏi xiềng xích tư duy, nắm rõ chân tướng sự việc như việc lòng bàn tay.”
Không có quá nhiều nhân vật, không một chi tiết thừa thãi, Wangyuan khiến người đọc thán phục bởi khả năng lập luận chặt chẽ, logic và am hiểu kiến thức tâm lý. Cùng với đó, giọng văn điềm tĩnh và lối miêu tả lãng mạn đan xen khiến độc giả đọc cuốn tiểu thuyết ở tâm thế thưởng thức, nghiền ngẫm.
Nhưng kết cấu truyện lồng truyện của Chiêng Nguyện Hồn Ai sẽ mang đến cho độc giả nhiều ngỡ ngàng hơn thế, không chỉ bởi chân tướng của vụ án giết người hàng loạt mà còn là lời giải đáp cho dấu chấm hỏi to đùng “Nhà văn trinh thám Chu Vân Sinh là ai?”, “Tại sao Chu Vân Sinh có mặt trên hòn đảo nhỏ và là người chứng kiến toàn bộ vụ việc?”
Xem thêm tác phẩm trinh thám của IPM tại đây.
Follow fanpage IPM để cập nhật các thông tin mới nhất.