Độc giả nói gì về Tằm Tang: Xác chết không đầu, phòng kín 4 lớp, 37 bí ẩn, cần 1 đáp án nhưng lại có nhiều hơn 1 sự thật?
Như một màn ảo thuật, một trò diễn xiếc, một cú lộn nhào bất thình lình ngay khi khán giả ngỡ bức rèm sân khấu đã buông, tầng tầng lớp lớp âm mưu và giả thuyết được đặt ra trong Tằm Tang, cho đến cuối, dường như được xây dựng chỉ để đạp đổ và rồi dấy lên nghi vấn đáng sợ trong lòng người đọc: Kẻ nào đã hạ sát những nạn nhân xấu số ấy?
Tằm Tang đã được IPM phát hành vào ngày 11/11/2024
Rời khỏi xã hội hiện đại, Tằm Tang ngược về làng quê Nhật Bản những năm 1946-1966, nơi mà người ta lập đền thờ hai người đàn bà vong mạng vì bị chém lìa thân xác. Chốn đó gắn liền với truyền thuyết quỷ không đầu, reo rắc nỗi sợ từ một lời nguyền truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ấy cũng là nỗi ám ảnh của gia tộc đứng đầu làng Đầu Chúa - gia tộc Higami.
Ròng rã mấy trăm năm, người thừa kế nhà Higami như thể bị ếm nguyền. Họ có thể mất rất sớm, hoặc bệnh tật liên miên rồi sau đó qua đời. Chính vì thế, ngay từ khi được sinh ra, đứa trẻ kế thừa đã được làm cho rất nhiều loại bùa phép, trong đó có chuỗi các Lễ Tế Đêm 3. Câu chuyện chính của Tằm Tang bắt đầu ở một thế hệ Higami như thế.
Đêm Trung thu ấy tối tăm lạ lùng, trong Lễ Tế Đêm 13, có người tham gia bị chặt đầu, kéo theo chuỗi án mạng nhuộm màu kì bí của cả chục năm sau đó. Dường như là lời nguyền ứng nghiệm, dường như là hận thù tích tụ trong con người, dường như là âm mưu tranh đoạt địa vị trong gia tộc… nhưng dù có tin vào quỷ thần hay không, khi đọc cuốn sách này hẳn bạn cũng sẽ phải tự hỏi: Vì sao lại là quỷ không đầu?
Hung thủ là ai, nạn nhân là ai, người thừa kế là ai, kẻ bị ruồng bỏ là ai?
Tằm Tang là một tiểu thuyết có cách kể rất độc đáo. Tác giả sử dụng cấu trúc truyện lồng trong truyện quen thuộc, nhưng sắp xếp chi tiết và góc kể rất tinh vi. Qua lời chứng của từng nhân vật, người đọc như lạc vào một không gian nửa thực nửa ảo với những người kể chuyện bất khả tín (tức là họ có thể nói dối, cũng có thể nói thật). Mitsuda Shinzo còn dày công thiết lập hiện trường phòng kín 4 lớp, thảy ra 37 bí ẩn cho người đọc khám phá, nhưng cũng khẳng định chỉ cần 1 sự thật là có thể giải hết toàn bộ. Tuy nhiên, sự thật đó là gì thì ngay cả khi đã đọc xong cuốn sách, chắc chắn vẫn sẽ có người mơ màng không hiểu điều gì đã xảy ra (trong đó có tôi).
Vậy nên, tác phẩm này này khiến tôi rất thích thú. Tác giả tinh nghịch vô cùng. Mitsuda Shinzo thực sự coi trinh thám là một trò chơi và nếu đã mở sách thì độc giả buộc phải chơi cùng ông ấy. Đọc Tằm Tang, cảm giác như được quay trở về thời trinh thám cổ điển mà như chị bạn tôi bảo, tác giả chẳng khác nào đại lý buôn bán nạn nhân. Những cái chết xuất hiện nhiều với tần suất tương đối dày đặc, cốt là để phục vụ cho việc thiết kế âm mưu. Không đặt nặng tính xã hội hay tính logic khoa học, gần như bỏ qua mọi định hướng mà hầu hết văn học hiện đại ngày nay đang hướng tới: một thông điệp nhân văn, Tằm Tang là cuốn sách mà tôi cảm thấy, tác giả đã xác định từ đầu là nó sẽ trở thành một thứ khiến người đọc phấn khích và thỏa mãn. Một món giải trí đau đầu nhưng sảng khoái.
Thủ pháp chặt đầu thì không xa lạ gì trong trinh thám, nhưng đây là lần đầu tôi được đọc về phân loại chặt đầu. Trong suốt lịch sử phát triển nhân loại, người ta chặt đầu kẻ khác vì nhiều lý do. Có nhiều bộ tộc chặt đầu như tập tục, liên quan đến tâm linh tôn giáo, dạng như nếu có cái đầu của kẻ thù thì họ sẽ hút được sức mạnh của đối phương. Hoặc là họ chặt đầu để minh chứng sức mạnh bản thân, như Nhật Bản thời chiến quốc khi giết được tướng địch, người thắng sẽ lấy thủ cấp kẻ thua coi như chiến công. Lại gần hơn nữa, chặt đầu còn mang mục đích răn đe, như thời mà người ta xử trảm công khai. Còn đi vào tiểu thuyết trinh thám, chặt đầu cũng có nhiều mục đích, có thể là ngụy tạo hiện trường, kéo dài thời gian xác định danh tính nạn nhân, vân vân… Khi đọc Tằm Tang ta sẽ thấy, tác giả tìm hiểu rất kĩ và vận dụng cực kì công phu thủ pháp chặt đầu trong tác phẩm của mình. Và đây chính là mấu chốt. Khi đọc đến cuối, tôi không thể không phục tác giả vì tài giăng bẫy và xâu chuỗi của ông ta.
Còn lý do tại sao tôi gọi Tằm Tang là một bữa tiệc plot twist. Bởi twist của tiểu thuyết này thực sự rất dồn dập, dồn dập đến mức không kịp trở tay.
Thông thường, trong những trang cuối của một tác phẩm trinh thám, người viết sẽ lý giải toàn bộ thắc mắc của độc giả nhưng Tằm Tang thì lại không như vậy. Các giả thuyết liên tục được đưa ra rồi đạp đổ, cuối cùng đi đến một cái kết gây bất an cho người đọc, và tôi cũng phải tự hỏi, mình đã đọc tác phẩm này đúng cách chưa?
Những cái xác bị chặt đầu kéo dài hơn trăm năm, giăng mắc 37 bí ẩn xuyên suốt bao thế hệ, tất cả đều có thể được hóa giải chỉ với 1 sự thật. Ấy vậy là sự thật ấy, đến phút cuối vẫn nằm trong màn sương. Tác giả hào phóng đặt vào tay người đọc quyền kết luận, nhưng thói đời là vậy, ta thường ngờ vực chính điều mà mình tìm thấy, và chỉ tin điều được người khác giải đáp.
Thế rồi, tôi ngược về đầu cuốn sách. Đọc thật kĩ cái đoạn vị khách lạ lùng xuất hiện, mở ra bi kịch của đứa trẻ sống sót duy nhất sau vụ tự sát tập thể của mẹ và các anh chị. Rồi giật mình. Hóa ra, đây cũng là một ẩn ý mà tác giả cài cắm để tạo ra bầu không khí kì bí, khiến người đọc liên tưởng tới một vòng lặp nhuốm màu tử vong. Nhưng câu hỏi lớn nhất của tôi sau khi đọc Tằm Tang không phải “kẻ chặt đầu là ai?” mà là “vị khách kia có thực sự tồn tại không?”
Thực sự là một trải nghiệm đọc sảng khoái, sởn da gà và cực kì thú vị.
Đánh giá: 4/5
Độc giả: @_satohsaiSách đã được IPM phát hành. Bạn có thể đặt mua tại đây: Tằm Tang.